Chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt tiền nhà đầu tư
Sau hơn 1 ngày bị cách ly, gần trưa 23/7, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) được cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải đến phòng xét xử.
Trả lời câu hỏi của Thẩm phán, Chủ tọa Bùi Quang Huy, bị cáo Trịnh Văn Quyết nhiều lần nói “không nhớ” và khẳng định “mọi quy kết trong cáo trạng như thế nào bị cáo đều thấy đúng và tôn trọng”.
Trong hơn 10 phút trả lời, ông Quyết khai rõ ràng nhất việc bản thân đã chỉ đạo thuộc cấp tăng vốn điều lệ công ty và thao túng thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, việc lừa đảo nâng khống vốn điều lệ như thế nào, thu về bao nhiêu khoản tiền, mục đích của việc nâng khống vốn và khoản tiền chiếm đoạt được sử dụng vào những gì, ông lại không nhớ.
Tương tự ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết cho rằng vì thời gian lâu, ông không nhớ chỉ đạo thuộc cấp làm những gì, không nhớ khoản thu lợi bất chính bao nhiêu.
“Mục đích việc tăng vốn doanh nghiệp có phải để lừa đảo chiếm đoạt tiền nhà đầu tư không?”, Chủ tọa Bùi Quang Huy hỏi. Ông Quyết khẳng định, “tôi chưa bao giờ có ý đồ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư”.
Tự trình bày, ông Quyết cho hay từ khi thành lập doanh nghiệp, ông chỉ mong muốn khi tăng nguồn vốn của công ty chuyên về lĩnh vực xây dựng sẽ góp phần vận hành chung trong hệ thống doanh nghiệp của FLC.
“Cho đến thời điểm bị bắt, có thể nói mọi sự tính toán vận hành doanh nghiệp hoạt động của bị cáo cơ bản đã thành công”, ông Quyết nói đến đây bị HĐXX ngắt quãng.
Phía tòa sau đó công bố thêm một số chi tiết về hành vi của ông Quyết trong việc thao túng chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cựu Chủ tịch FLC nghe xong liền tái khẳng định “cáo trạng quy kết thế nào tôi hoàn toàn đồng ý, xin HĐXX xem xét thêm những nội dung trong cáo trạng”.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa. |
Cáo trạng buộc tội ông Trịnh Văn Quyết với hai hành vi
Trong vụ án, Viện KSND Tối cao cho rằng, từ 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo hai em gái Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Theo cáo buộc, em gái ông Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh.
Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC.
Điển hình như mã HAI, đẩy giá từ 3.700 đồng/cổ lên tới 22.500 đồng/cổ trước khi bán tháo, thu lợi bất chính 238 tỷ đồng.
Hay với mã cổ phiếu FLC, cơ quan tố tụng xác định được "thổi" từ 3.050 đồng lên hơn 21.000 đồng/cổ phiếu, thu lợi bất chính 397 tỷ đồng.
Tổng cộng, thông qua việc thao túng 5 mã chứng khoán, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư, trừ chi phí thu lợi hơn 600 tỷ đồng.
Ngoài hành vi thao túng 5 mã chứng khoán, Viện kiểm sát còn xác định, ông Trịnh Văn Quyết, có hành vi chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư.
Cụ thể, Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 – 2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống cho doanh nghiệp này từ 1.197 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần.
Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Hành vi này khiến ông bị truy tố thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.